Ảnh: Goodsmart. |
Chị Ly (Cầu Giấy, Hà Nội) cười vui tự hào nhìn bé Hoa 8 tháng tuổi đang lao mình trên chiếc xe tập đi, không hề biết rằng bé có nguy cơ chấn thương do ngã và biến dạng xương chân.
Cũng như nhiều em bé khác ở thành phố, bé Hoa được bà nội mua cho chiếc xe tập đi từ rất sớm. Dù chưa biết đứng, bé đã được đặt vào chiếc xe này, ban đầu được xem như cái ghế đồ chơi để bé chịu ăn bột. Một tháng sau đó, bà nội bắt đầu khuyến khích và tập cho bé di chuyển trong xe. Hoa có vẻ thích với cách chơi mới, còn người lớn thì phấn khởi thấy bé di chuyển rất nhanh, hy vọng bé sớm biết đi.
Mức giá trung bình của xe tập đi là 150-250 nghìn đồng. Nhiều loại đắt hơn được làm bằng vật liệu tốt, màu sắc bắt mắt, trang trí thêm một số đồ chơi như xúc xắc, con giống, có chỗ để thức ăn, thậm chí có nhạc. Cũng có những loại làm bằng nhựa xấu, thiết kế tối đơn giản, giá chỉ 70-80 nghìn đồng. Do đó, hầu như gia đình nào cũng có thể mua cho con vật dụng này. Theo một khảo sát nhanh của VnExpress với hơn 300 người tham gia, cứ 10 phụ huynh thì có đến 7 từng mua xe tập đi cho con mình.
Những người mua xe cho con chỉ biết là nó là vật dụng thú vị, đem đến cho con họ những khoảnh khắc đáng yêu mà không biết rằng vật dụng này đã gây nhiều tai nạn. Theo tiến sĩ Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cơ sở này từng tiếp nhận một số ca tai nạn do xe tập đi, phần lớn các cháu bị ngã do xe lao rất nhanh, lăn xuống bậc thềm hoặc cầu thang. Những trẻ này thường bị chấn thương đầu, mặt hoặc gãy xương chân tay...
Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM cũng từng cấp cứu, điều trị nhiều ca chấn thương sọ não, gãy xương, bỏng... do dùng xe tập đi. Gần đây nhất là một bé gái 7 tháng tuổi tử vong do bỏng và ngạt nước sau khi ngã úp mặt vào nồi nước sôi.
Có nên cho trẻ dùng xe tập đi?
Tiến sĩ Hải trả lời dứt khoát: "Không nên". Lý do là các loại xe tập đi trên thị trường hiện nay có độ an toàn thấp, thường không kiểm soát được tốc độ nên dễ xảy ra tai nạn. Tiến sĩ Trịnh Quang Dũng, Phó trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đồng quan điểm: Trên thế giới, như mọi đồ dùng cho trẻ khác, xe tập đi được sản xuất theo các quy cách chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn, kết cấu vững, có bộ phận giảm trơn trượt, chống đổ ngã. Sản phẩm được bán ở Việt Nam thường không đạt yêu cầu này. Mặt khác, trẻ thường phải sống trong không gian hẹp, ở nhà tầng, đi mấy bước đã đến bậc thềm hay cầu thang, rất dễ lăn xuống.
Ngay cả khi không gây tai nạn cấp cứu, xe tập đi cũng có tác hại nghiêm trọng cho cơ thể trẻ về lâu dài. Hệ xương của trẻ dưới 1 tuổi rất mềm yếu, dễ thay đổi theo tác động bên ngoài. Tư thế của bé khi đứng trong xe lâu ngày sẽ dẫn đến biến dạng xương, gây dị tật chân vòng kiềng chữ O, chữ X.
Nhiều người cho con sử dụng xe với hy vọng trẻ sẽ biết đi sớm. Thực ra, theo tiến sĩ Dũng, nếu bắt trẻ đi khi hệ xương, gân, cơ, dây chằng chưa phát triển đủ để đáp ứng cho hoạt động này, hệ vận động của trẻ sẽ bị ảnh hưởng xấu, thậm chí biến dạng xương chân.
"Nhiều bà mẹ dựa vào câu thành ngữ 3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò tập đi và sốt ruột thúc trẻ tập đi sớm để đạt 'chỉ tiêu' này. Thực ra câu đó không hoàn toàn đúng. Mỗi đứa trẻ có một lịch trình sinh trưởng khác nhau, có thể sớm hoặc muộn, nhưng thông thường trẻ biết đi khi 12 tháng tuổi" - tiến sĩ Dũng nói. Theo ông, chỉ khi trẻ đã thực sự đứng vững, bố mẹ mới nên khuyến khích trẻ đi.
Mặt khác, theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, dù vào thời điểm nào, chiếc xe kể trên cũng không hề giúp trẻ biết đi sớm hơn, thậm chí việc di chuyển được mà không cần cố gắng sẽ càng khiến trẻ lười tập đi thực sự khi đến lúc. Ông Hải cho rằng, dù không ngồi xe thì khi đủ tuổi, đủ sức, trẻ vẫn biết đi như thường.
Quan điểm trên cũng thống nhất với kết quả một nghiên cứu của Anh: Những trẻ dùng xe tập đi sẽ chậm biết đứng, biết đi hơn bạn bè đồng lứa không dùng thiết bị này. Nguyên nhân là trẻ đã quen di chuyển mà không cần nâng toàn bộ trọng lượng cơ thể, lâu ngày khiến cơ - xương không lớn mạnh được như bình thường. Hệ thần kinh cũng bị tước mất những thông tin cảm giác cần có để trẻ học đi hiệu quả.
Do những tác hại đó, một số nước tiên tiến đã cấm sử dụng xe tập đi cho trẻ em. Ở Việt Nam hiện không có lệnh cấm này, và theo ông Nguyễn Huy Quang, Phó vụ trưởng vụ Pháp Chế, Bộ Y tế, các vật dụng cho trẻ em như xe tập đi không thuộc phạm vi quản lý của ngành. Bộ Y tế chỉ quản lý các thiết bị, dụng cụ dùng trong điều trị. Ở nhiều nước, khi một thứ đồ gia dụng được phát hiện là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đe dọa sự an toàn của người sử dụng, ngành y tế sẽ có các khuyến cáo hoặc đề nghị ra lệnh cấm. Tuy nhiên, ông Quang cho biết ở Việt Nam hiện chưa có tiền lệ nào về việc này, cũng không có quy trình để áp lệnh cấm cho một thiết bị gia dụng với lý do liên quan đến sức khỏe.
Theo báo vnexpress.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét